Sa Loong: Nỗ lực xóa nhà tạm
Sa Loong: Nỗ lực xóa nhà tạm
Trong năm 2021, xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi) đã xóa được 64 nhà tạm, và từ đầu năm đến nay đã xóa thêm 16 nhà tạm. Những kết quả đạt được nhờ sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và cũng là kết quả của sự thay đổi tích cực, không trông chờ, ỷ lại của người dân.
|
Ông Nguyễn Hữu Bảng – Chủ tịch UBND xã Sa Loong cho biết, trước đây, với tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nhiều người dân cứ đợi hỗ trợ của Nhà nước mới làm nhà. Với những hộ được xem xét hỗ trợ, vẫn có tư tưởng xem “nhà của Nhà nước” nên không mặn mà trong việc đối ứng, cũng như không có trách nhiệm trong việc xây mới hay sửa chữa nhà ở.
Trước thực trạng trên, Đảng ủy, UBND xã bàn bạc, thống nhất, phải thay đổi nhận thức của người dân về vấn đề nhà tạm. Các buổi gặp gỡ quanh việc xóa nhà tạm, phát triển kinh tế được tổ chức. Tại đây, lãnh đạo xã giải thích rõ về các đối tượng được hỗ trợ cũng như trách nhiệm của người dân trong việc cùng chính quyền địa phương xóa nhà tạm; tuyên truyền, thuyết phục người dân phát triển cây trồng, vật nuôi, vươn lên phát triển kinh tế.
Anh A So Đáo – Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Giang Lố 1 nói rằng, các ý kiến của người dân được chia sẻ, giải thích cặn kẽ nên bà con đã hiểu rõ vấn đề và rất đồng tình với việc xóa nhà tạm. “Khác với trước, nay người dân rất phấn khởi, có trách nhiệm, cùng chung sức để xây dựng ngôi nhà mới”- anh Đáo nói.
Người dân thay đổi nhận thức, chính quyền xã thêm quyết tâm và nỗ lực huy động nguồn lực, giúp người dân xóa nhà tạm. Theo đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên trên địa bàn xã đóng góp mỗi ngày 2.000 đồng vào Quỹ vì người nghèo; xã cũng huy động sự hỗ trợ của Công ty TNHH MTV 732, các nhà hảo tâm để có nguồn quỹ, xóa nhà tạm cho người nghèo. Bên cạnh nguồn tiền hỗ trợ, xã cũng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, vay các nguồn vốn với lãi suất thấp để có thêm nguồn xây nhà ở cũng như phát triển kinh tế.
Có nguồn hỗ trợ, cấp ủy, chính quyền phối hợp chặt chẽ với mặt trận và các ngành, đoàn thể các cấp đi khảo sát từng hộ gia đình. Qua đó, tùy vào điều kiện của từng gia đình để có chính sách hỗ trợ phù hợp. “Hộ gia đình đặc biệt khó khăn, chúng tôi sẽ hỗ trợ 40 triệu đồng; có hộ hỗ trợ 30 triệu đồng, cũng có hộ hỗ trợ 20 triệu đồng. Các hộ gia đình sẽ huy động thêm nguồn lực của gia đình, của người thân, họ hàng để đóng góp thêm, xây dựng nhà ở kiên cố” – ông Nguyễn Hữu Bảng thông tin.
Như hộ gia đình chị Sa Thị Huế (thôn Cao Sơn), cuối năm 2021 được xem xét, hỗ trợ 20 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Cùng với nguồn tiền hỗ trợ, 2 vợ chồng chị góp 32 triệu đồng để xây nhà.
“Trước đây mình ở nhà nứa, rất xập xệ. Nếu không có được sự động viên, hỗ trợ, không biết đến khi nào mình mới có nhà xây để ở. Bây giờ, có nhà ở ổn định, an cư rồi, hai vợ chồng mình có động lực để làm ăn. Gia đình mình cố gắng đến cuối năm sẽ thoát nghèo” – chị Huế chia sẻ.
Chị Bùi Thị Sáng (thôn Hào Lý) cũng rất vui mừng khi được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây nhà. Chị Sáng có hoàn cảnh rất khó khăn, chồng mới mất, một mình chị phải nuôi 2 con nhỏ. “Chỉ dựa vào việc làm thuê, nếu không có sự hỗ trợ, không biết đến bao giờ tôi mới làm được nhà. Bây giờ, được hỗ trợ xây nhà, tôi mừng lắm. Tôi sẽ cố gắng hơn nữa, chăm chỉ hơn nữa để lo cho các con học hành đàng hoàng” – chị Sáng xúc động.
Thay đổi nhận thức, có trách nhiệm hơn với vấn đề nhà ở của chính mình, thay vì chờ đợi hỗ trợ, được vận động, người dân đã nỗ lực, tự lực xây dựng nhà ở. Nhờ đó, trong năm 2021, xã Sa Loong đã xóa được 64 nhà tạm (trong đó có 49 hộ tự xây dựng). Và trong 6 tháng đầu năm 2022, đã triển khai xây dựng 16 căn nhà.
Xã phấn đấu đến cuối năm sẽ hỗ trợ xây dựng thêm 10 nhà mới, xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm trên địa bàn xã.
Những ngôi nhà xây thay thế những ngôi nhà bằng tre, nứa. Trong niềm vui mừng, phấn khởi, người dân yên tâm sản xuất, làm kinh tế, vượt khó vươn lên trong cuộc sống.